Tuesday, September 13, 2005

doc dong cam



về đông cảm


Tôi quen biết anh trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Cách đây khoảng ba mươi năm và vài tháng, trong ngày biến cố đau thương của đất nước, có hai người thanh niên rất trẻ đang độ tuổi ngoài hai mươi đến nhà cha mẹ tôi xin tá túc. Một người là anh họ tôi người miền tây, còn một người gốc Nha Trang tên là Hùng. Họ là hai người bạn đồng đội, thuộc binh chủng thủy quân lục chiến, đã từng tham dự những trận đánh ở Quảng Trị, Đông Hà, v.v. Sau đó, theo lệnh thượng cấp, họ phải cùng binh đoàn di tản dần về miền nam, về đến bộ chỉ huy Sư đoàn tại Thủ Đức. Không bao lâu, trong ngày oan nghiệt của quê hương, tất cả quân đội phải giải tán, sự lưu thông ra miền trung lẫn về miền nam bị gián đoạn, hai người lính trẻ bại trận vứt đồ trận đã đến nhà chúng tôi trong tâm trạng đau đớn, nhục nhã cho quê hương và lo lắng cho gia đình, bản thân …, bạn đồng ngũ …

Ngày hôm sau, hai người nói là đi ra ngoài để tìm cách trở về quê nhà. Đến sẫm tối, anh Hùng trở về trong trong tình trạng say sưa, nói năng lảm nhảm và được một thanh niên trẻ lạ mặt, không say, cao gầy, giọng nói từ xứ lạ đến, dìu về. Người lạ này kể lại là anh đang đi trên hè phố, thấy anh Hùng say sưa, miệng la chửi những người chủ mới của đất nước ... anh sợ anh Hùng bị rắc rối, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên anh đã tìm cách dìu người say về căn nhà đang ở tạm, dù anh Hùng không nhớ ở đâu, mà chỉ nhớ là căn nhà có người con gái đã tặng anh cây viết. Thế đó, người thanh niên trẻ lạ mặt đã đến với gia đình chúng tôi, và còn trở lại nhiều lần để trở thành thân thuộc. Sau khi sự lưu thông giữa các tỉnh đã được tái lập, anh Hùng trở về Nha Trang, và chúng tôi không hề nghe tin tức của anh nữa.

Người thanh niên trẻ thỉnh thoảng đến thăm chúng tôi, tự xưng tên là Đông, anh nói đủ thứ chuyện, chuyện trên trời dưới đất, thỉnh thoảng đọc thơ cho chúng tôi nghe, những câu thơ nhiều khi tối nghĩa. Chúng tôi thỉnh thoảng phải cắt lời anh để yêu cầu anh giải thích, có khi anh giải thích, nhưng cũng có khi anh chỉ cười và nói lảng sang chuyện khác... Có lần anh cho tôi mượn bản thảo tập thơ của anh khá lâu. Lúc đó tôi cũng đang độ tuổi thanh xuân, một học sinh vừa ra trường trung học vội vã vì thời cuộc. Tôi rất thích những môn học văn chương, triết, sử, địa, công dân … dù đó không phải là môn học chính; tôi cũng rất thích đọc những truyện dã sử của Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng … nhưng với tôi thơ của anh quả thật là cao. Ngoài ra, thơ của anh mang nhiều tâm sự, nhiều nỗi niềm u uẩn, những khắc khoải, những bế tắc không có lối thoát của lứa tuổi đôi mươi đối với thời cuộc, với quê hương, mà những tình cảm riêng tư trai gái của tuổi trẻ cũng không thể làm anh phôi pha, được diễn tả trong bài trong bài thơ không cho ai:

anh không còn gì cho em
vì đời anh vẫn đen như đêm

và bàng bạc trong hầu hết những bài thơ của anh mà tôi được đọc: ta đi từ sông trà, bên giòng maggi, gởi hoàng a, đêm uống rượu một mình, khi mai đỏ chớm vàng rợp con sông cạn, tím mộng trường chinh đại hãn, mưa rừng ơi mưa rừng, suối cát tiên, cảm nhận dưới chân đồi độc lập, những cánh huệ tháng tư, về thung lũng hẹp, bi cảm số năm, trái tim hạt lựu..., toàn là những bài thơ rất buồn và mang nặng suy tư. Trong bài gởi hoàng a:

nghe lòng buồn hơn em thật lâu

hay bên giòng maggi

...
đường đi trùng điệp rừng sâu
đường về trùng điệp sậy lau bạt ngàn


Ngoài ra có những lời thơ mộc mạc như cuộc sống trong bài biển trào:


nhà tôi nghèo mẹ tiêu tiền lẻ
con cá nhụ cá thu
mẹ xâu từng con không dám ăn đem bán
mua rau dưa hàng quán bằng tiền xu

...

Nhưng vẫn không thiếu ý thơ :
...
biển đã muôn triệu lần dỗi hờn
...


hay


ngày biển với tôi đến tuổi dậy thì
...


Có lần anh gọi tôi là cụ non, nhưng tôi nghĩ anh mới đúng là cụ non, vì những suy tư và nhận xét về cuộc sống, về con người, về thời cuộc của anh, thường chỉ thấy ở những người lớn hơn anh rất nhiều tuổi.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, anh không đến thăm chúng tôi nữa. Sau đó, nhận được thư và hình ảnh của anh ở Pulau Bidong, rồi thỉnh thoảng nhận được thư và quà của anh từ Mỹ quốc gởi về, dù anh rất bận rộn cho việc học, việc làm, cho gia đình … Chúng tôi mừng cho anh, không phải vì những gói quà nho nhỏ từ anh, mà vì anh đã sống tự do, đạt được hướng đi đúng như anh mong muốn, nhưng vẫn không quên những người xưa cũ. Anh vẫn là anh và mãi mãi.

Rồi đến một ngày, chúng tôi được gặp lại anh, nơi quê hương thứ hai, mừng như bão táp quay cuồng. Rồi chúng tôi lại được đọc thơ của anh, những bài thơ mới, nơi quê hương mới trù phú đầy cám dỗ vật chất, danh vọng, nhưng tâm tình anh vẫn tha thiết với quê hương giờ đây xa lắc, với quá khứ đau thương của cuộc nội chiến tương tàn, với một hoài hương tiêu biểu

mấy cây chà là trái chín đen mùa hè
ngọt không máu em đã đổ


chỉ hình ảnh một góc nhỏ của quê hương hiện tại trong một trang lịch tháng mười hai cũng đủ làm anh rung động đến xót xa rơi lệ :

...
mỗi mảnh ruộng có lớn hơn vài con bò
vẫn nhỏ lắm giấc mơ
...


...
cô thôn xa nắng vàng hoe muốn tắt
khói bếp nhà ai vướng dưới ngọn tre
làm cay sè đôi mắt
thơm đâu đây mùi khoai cơm ngon lắm
…..


mà mỗi lần đọc lại tôi vẫi bồi hồi xúc động.

Trong cuộc sống mới, có những điều tương phản với quê nhà, trong cuối tuần ở little sài gòn :


sao niên trưởng mê cờ bạc từ hồi đi lính tây đến giờ chưa chán


có lẽ vì người ta đang quên đi những khốn khó nơi quê nhà, làm anh muốn nổi loạn


khi tiểu đồng tỳ nữ mất quyền làm người
bạn có nộ khí xung thiên
muốn thành tề thiên đại thánh
thành ngưu đầu mã diện
để cùng ta đại náo thiên cung.


nhưng rồi anh

…..
mở mắt tan tành mơ khoảnh khắc
còn ta đây hơn thiệt một bầu trời
hải âu ơi sao trùng điệp biển khơi
…..


đành độc thoại

khi mình có một đời để sống
đầu tiên và cuối cùng
phải so đo từng phút
sao ta vẫn trọn đời nóng sốt
chuyện giải phóng thiên đàng


đôi lúc nghĩ như vậy, nhưng rồi anh vẫn là anh để đem suy tư, ước mơ biến thành hành động, để quần quật vì phật tương lai

trắng những đêm đen
tu hành quần quật
cho những tên
đồ tể buông dao thành phật
...


Còn nhiều, nhiều nữa tâm tình của anh, mà cũng là tâm tình của bao nhiêu người dân Việt Nam luôn nghĩ về quê hương, dân tộc, đã, đang và sẽ được anh phơi bày bằng những lời thơ chứa chan ân tình, tràn đầy sức sống.

Đọc thơ anh để thấy chính mình trong đó.

Thành Vinh

0 Comments:

Post a Comment

<< Home